icantech
Lập trình Python
1813
13/11/2023

Các kiểu dữ liệu trong Python mà lập trình viên nhất định không được bỏ qua

Các kiểu dữ liệu là những thành phần không thể thiếu trong bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào. Vậy kiểu dữ liệu là gì? Những kiểu dữ liệu nào phổ biến?Cùng ICANTECH tìm hiểu về các kiểu dữ liệu trong Python với bài viết dưới đây nhé!

1. Tổng quan về kiểu dữ liệu trong Python

1.1. Khái niệm về kiểu dữ liệu 

Kiểu dữ liệu (data type) là một cách để phân loại và mô tả cách dữ liệu được lưu trữ và xử lý trong ngôn ngữ lập trình, giúp trình biên dịch hoặc trình thông dịch hiểu và quản lý cách lập trình viên muốn sử dụng dữ liệu.

Thông thường khi nói về kiểu dữ liệu thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến giá trị của biến hoặc giá trị trả về của một phép tính, một hàm hay một đoạn lệnh.

Do mỗi kiểu dữ liệu có các phép toán và thao tác xử lí khác nhau nên khi thực hiện tính toán với các giá trị chúng ta đều phải biết được kiểu dữ liệu của giá trị đó. 

Ví dụ: Một biến có giá trị là 5 được nhập vào từ bàn phím qua câu lệnh input thì không thể thực hiện các phép toán được. Tại sao lại như vậy. Đó là vì kiểu dữ liệu của biến đó là dạng xâu không thể thực hiện phép tính như các giá trị số được.

1.2. Một số kiểu dữ liệu trong Python

cac-kieu-du-lieu-trong-python

2. Tìm hiểu về các kiểu dữ liệu phổ biến trong Python

Chúng ta cùng đi sâu hơn vào từng kiểu dữ liệu để xem cách chúng hoạt động và các thao tác cơ bản với các kiểu dữ liệu trong Python nhé!

2.1. Kiểu số nguyên - integer

Kiểu dữ liệu integer trong Python, được biểu diễn bởi lớp int, trong đó:

  • Chứa các số nguyên dương hoặc âm.
  • không chứa phân số hoặc thập phân. 
  • Đặc biệt trong Python không tồn tại giới hạn về độ dài của một giá trị số nguyên.

Ví dụ:

age = 8

count = 12341233

Biến age và count ở đây chính là kiểu int.

Các biến kiểu số nguyên thường được sử dụng để biểu thị cho các giá trị như tuổi, số đếm, vị trí xếp hạng….

Các biến số kiểu số nguyên có thể kết hợp với các phép toán trong python để tính toán các giá trị, biểu thị các công thức phức tạp…

Ví dụ:

a = 3

b = 10

c = b+a

d = b*2

e = 6-a

print(c)

print(d)

print(e)

Kết quả: 

13

20

3

2.2. Kiểu số thực dấu phẩy động - float  

Kiểu dữ liệu float: được đại diện bởi lớp float. 

  • Chứa các số thực với biểu diễn dấu phẩy động (được chỉ định bởi 1 dấu thập phân).

Ví dụ:

score = 8.0

distance = 12.3

Biến score và distance ở đây chính là kiểu float.

Các biến kiểu float thường được sử dụng để biểu thị cho các giá trị như điểm số, khoảng cách, nhiệt độ….

Các biến số kiểu float có thể kết hợp với các phép toán trong python để tính toán các giá trị, biểu thị các công thức phức tạp…

Ví dụ:

a = 3.5

b = 10.4

c = b+a

d = b*3

e = 8-a

print(c)

print(d)

print(e)

Kết quả:

13.9

31.200000000000003

4.5

2.3. Kiểu dữ liệu boolean

Kiểu dữ liệu boolean: được đại diện bởi lớp bool

  • Chỉ có 2 giá trị True (đúng) hoặc False (sai).
  • Thường sử dụng trong việc kiểm tra điều kiện.

Ví dụ:

check = True

flag = False

Biến check và flag ở đây chính là kiểu boolean.

Biến số kiểu boolean thường được sử dụng trong việc kiểm tra điều kiện. Nó có thể kết hợp với các phép toán logic để tạo thành các điều kiện phức hợp.

2.4. Kiểu dữ liệu dạng chuỗi - string

Kiểu dữ liệu string (chuỗi hoặc xâu): được đại diện bởi lớp str.

  • Là tập hợp của một hoặc nhiều kí tự được đặt trong cặp dấu nháy đơn hoặc nháy kép.

Ví dụ:

name = "Hương"

address = "ICANTECH"

Biến name và address ở đây chính là kiểu string.

Các biến kiểu string thường được sử dụng để biểu thị cho tên, địa chỉ, đoạn văn …

2.5. Các kiểu dữ liệu khác

Một số kiểu dữ liệu Python khác có thể kể đến như List, Tuple, Dictionary… hay được gọi là một cấu trúc dữ liệu. Với mỗi biến kiểu này thường có nhiều phần tử biểu thị cho nhiều giá trị khác nhau.

3. Các thao tác với biến và kiểu dữ liệu trong Python

3.1. Kiểm tra kiểu dữ liệu

Kiểm tra kiểu dữ liệu được sử dụng để xác định được kiểu của dữ liệu.

Cú pháp: type(dữ liệu)

Trong đó:

type: phương thức

dữ liệu: Dữ liệu cần kiểm tra. Có thể là biến hoặc giá trị.

Ví dụ:

age = 12

score = 8.5

check = True

name = 'An'

print('Kiểu dữ liệu của biến age:', type(age))

print('Kiểu dữ liệu của biến score', type(score))

print('Kiểu dữ liệu của biến check', type(check))

print('Kiểu dữ liệu của biến score', type(name))

Kết quả:

Kiểu dữ liệu của biến age: <class 'int'>

Kiểu dữ liệu của biến score <class 'float'>

Kiểu dữ liệu của biến check <class 'bool'>

Kiểu dữ liệu của biến score <class 'str'>

3.2. Ép kiểu dữ liệu

Ép kiểu dữ liệu là thao tác chuyển đổi một loại dữ liệu sang loại dữ liệu khác. Thông thường, chúng được sử dụng ép kiểu để chuyển từ int sang float hoặc ngược lại. 

Bên cạnh đó, cũng có thể chuyển các dữ liệu dạng string mang giá trị số sang int/float.

Cú pháp: biến_số = kiểu_dữ_liệu(giá trị)

Trong đó:

biến_số: Tên biến

kiểu_dữ_liệu: kiểu dữ liệu muốn chuyển đổi

giá_trị: giá trị cần chuyển

Ví dụ:

a = 8.5

print('Giá trị của a là:', a)

print('Kiểu dữ liệu của a là:', type(a))

b = int(a)

print('Giá trị của b là:', b)

print('Kiểu dữ liệu của b là:', type(b))

Kết quả:

Giá trị của a là: 8.5

Kiểu dữ liệu của a là: <class 'float'>

Giá trị của b là: 8

Kiểu dữ liệu của b là: <class 'int'>

4. Lời Kết

Như vậy, ICANTECH đã đưa ra khái niệm, các thao tác cơ bản và các kiểu dữ liệu trong Python. Việc kiểm soát kiểu dữ liệu của các giá trị, biến số trong chương trình là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, bạn hãy nắm chắc và ứng dụng các kiến thức cơ bản này để tối ưu các chương trình trong lập trình Python nhé. Chúc các bạn thành công!

Nguồn ảnh: ICANTECH.

Share
Tags
Lập trình Python

Bài tương tự